Thứ Năm, 27 tháng 12, 2012

CHÙM THƠ VỀ ĐÀ LẠT 1. ĐƯỜNG LÊN Xe cheo leo đưa ta lên cao nguyên Thông bên ta, ta bên thông đan xen Bỗng gặp Đơn Dương vùng đất phẳng Gió rừng mang lạnh tự đèo bên. 2. MƯA Mưa rừng gọi con nai kêu đêm Nghe ớn lạnh giữa ngày hè nhiệt đới Mưa Đà Lạt dẫu không là mong đợi Vẫn đọng trong ta bao nỗi bồi hồi. 3. HỒ THAN THỞ Xin chớ biến mình thành kẻ thờ ơ: Khi ngắm cảnh quan bên Hồ Than Thở Hãy đi ngược dòng đời quá khứ: Đếm đủ cặp tình từng than thở mơi đây! 4. LANG BIANG K'Lang cùng với Hơ Biang(*) Mối tình oan nghiệt sầu thương muôn đời Hận hờn muôn thuở đầy vơi Còn bâng khuâng cả một trời Lang Biang. ----------------------------------------- (*) Chuyện huyền thoại về đỉnh Lang Biang. 5. THÁC HANG CỌP Anh hùng giết cọp(*), Người ơi! Ngàn năm đứng đó cho Đời cậy tin Canh cho giấc ngủ êm đềm Canh cho mảnh đất cao nguyên an lành. --------------------------------------- (*) Chuyện huyền thoại về Thác Hang Cọp. 6. NÉT RIÊNG ĐÀ LẠT Nét riêng Đà Lạt gì đây? Tiết trời se lạnh, mây bay ngang đèo Sương rơi bảng lảng trời chiều Nét riêng Đà Lạt: hiu hiu nỗi buồn. 7. ĐÀ LẠT ƠI! Đà Lạt ơi! Đà Lạt ơi! Đi trong em giữa một trời đầy hoa Trong em: Biếc ngọc, xanh ngà Trong em: Ngập giữa bao la sắc màu. 8. GỬI EM Đà Lạt đông về có lạnh không em? Anh gửi về em trong nỗi niềm giăng mắc: Ít tia nắng Sài-gòn, ít gió hanh miền Bắc Cùng ngọn lửa lòng đến tận đáy tim em!

Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

ĐÔI ĐIÊU VỀ THƠ TIẾNG LÒNG


  

         1.
CỦI KHÓC
Củi vặn mình để cháy
Lửa òa òa reo vui
Khói vờn quanh như múa
Ánh mắt ai cũng cười.

Có một thanh củi nhỏ
Bọt sủi từ tâm thân
Phải chăng là củi khóc
Đớn đau trong lặng thầm?

     Bài thơ triết luận về cuộc đời bằng hai khổ thơ: Khổ thơ trên - kẻ cười; khổ thơ dưới - người khóc. Hai mặt cuộc đời là vậy! Có thể xem xét theo góc độ khác của ý tưởng bài thơ:  Sự thiệt thòi của thân phận cá thể nào đó đến phải “đớn đau lặng thầm”, trong khi cộng đồng thì reo vui nhảy múa...Không! Ở bài thơ là “một thanh củi nhỏ”, ở xã hội cộng đồng, thì đó là số đông tuyệt đối – rất nhiều thân phận còn đang đau đớn lặng thầm! Tính nhân văn được gài cắm vào bài thơ bài thơ triết luận xã hội là vậy!
     Người ta đã nói nhiều đến chủ thể của khóc, trong nhiều trường hợp rất độc đáo, như đá khóc, gió khóc, dòng sông khóc,...
    Về nghệ thuất, với “Củi khóc”, Tố Uyên có lối quan sát rất tinh tế: Cây củi khi còn ẩm nước được đưa vào bếp đốt sẽ sùi nước ra như khóc. Hơn cả sự quan sát tinh tế ấy, là cảm xúc thi ca để cảm nhận cây củi như người - người khóc! Nhà thơ đã nhân hóa củi, để  đi đến như những ý tưởng thi ca  như đã được cảm nhận trên đây. Hệ thi từ-thi ngữ của bài thơ, khi thì cụ thể, khi thì trừu tượng, nâng năng lực nhân hóa của bài thơ thêm sức nặng, khiến người đọc cảm nhận củi như người, người như củi vậy!


              2.
TRĂNG  RỖNG
(Viết cho một người bạn mà T-U quí trọng)
"Sao anh lại ngỏ lời
Vào một đêm trăng khuyết.
Để bây giờ thầm tiếc
Một vầng trăng không tròn..."    (Thơ Phi Tuyết Ba) 

                   *
                     
Anh đừng vội thốt lên lời nói ấy
Bến sông non sao nỡ ép trăng già
Vừa thấp thoáng bóng dáng con thuyền giấy
Đã giục lòng chất những giấc mơ xa...

Ta xòe tay để chạm miền đồng cảm
Cho câu thơ lay khẽ góc tâm hồn
Xin hãy hiểu, phải đâu em lãnh đạm
Mà nắm vào, sợ sập mất hoàng hôn!

Nghe em nhé,
Neo lòng bên trăng khuyết
Nghĩ về nhau
Bằng ý nghĩ thật tròn
Nếu ta mang hai mảnh cong ra ghép
Dẫu thành vòng..
Nhưng trăng rỗng...
Sẽ buồn hơn...

     Nếu "Củi khóc" là bài thơ triết luận nhân sinh, thì "Trăng rỗng" là bài thơ tình - nhưng là bài thơ tình khác với nhiều bài thơ tình khác chỉ với những tiếng yêu đầy ắp.
     "Trăng rỗng" gồm ba đoạn thơ:
     Đoạn thơ đầu có ý trách nhẹ “đối tượng” sao vội vàng "đốt cháy giai đoạn" của tình yêu mà ngỏ lời vội vã! Thật là một lời trách nhẹ rất đáng yêu, bằng hình tượng thơ rất đẹp. Em khuyên anh chỉ “chạm” bàn tay, chứ đừng “nắm”, bởi chạm tạo nên sự nhẹ nhàng, êm ái; còn “nắm” thì, ngược lại, à một hành động mạnh mẽ, khiến “sập hoàng hôn” – ánh nắng chiều đẹp,mềm và dịu... Và, như vậy là để tạo nên tình yêu đẹp theo cách của thi ca: “Xin hãy hiểu, phải đâu em lãnh đạm/
 Mà nắm vào, sợ sập mất hoàng hôn!”.
    Thật ra, theo quy luật vận động của tình yêu, thì tình yêu luôn có xu hướng vươn nhanh tới đỉnh của nó. Kìm hãm tốc độ vận động ấy để tình yêu chậm lại là một cách xử lý  rất thơ và giầu nữ tính đối với tình yêu.
     Đoạn thơ cuối cùng, thật là chí lý, khi em ví tình yêu nếu vội vã sẽ như hai vành trăng khuyết ghép lại thấy hình tròn bên ngoài, nhưng bên trong thì rỗng! Em nói thế thì anh chẳng còn lý do gì mà không vừa lòng với em!
     Bài thơ được sử dụng các hình tượng đẹp như "trăng", "thuyền",...; những ngôn từ, khi thì gây ấn tượng như “chạm”,  “nắm” "miền đồng cảm", "sập hoàng hôn"...; khi thì êm ái, dễ thương như "nghe em nhé", "phải đâu em lãnh đạm"...
     Chắc chắn “đối tượng” của em sẽ nghe theo lời khuyên của em và càng yêu em tha thiết ; tình yêu của họ sẽ dần dần trở nên vành trăng tròn đầy đặn!


                   3.
ƯỚM  THỬ GIÀY XƯA

Dừng chân, ướm thử hài xưa
Gót qua dâu bể,
Còn vừa nữa đâu!


Ngỡ như mới giập bã trầu
Mà thời gian đã nhuốm màu bạc vôi!


Dấu son rải dọc đường đời
Chỉ mình mình biết sạn rơi kẽ nào...


Tháo ra dốc hết lao xao
Lót thêm lành lặn trả  vào khôi nguyên


Giày xưa - da hãy còn mềm
Chân nay - chai đã cứng thêm vài phần!


Chùng lòng, giây phút tần ngần
Lạc giày, lạc cả bước chân,
Thôi đành!
     Bài thơ lục bát gồm 12  câu là một bài thơ nỗi niềm – nỗi niềm về đời người. ...
Ý tưởng của Tiếng Lòng khi viết bài này là:
Người ta thường nói "đo chân, đóng giày". Chiếc giày trước đây đã được đo, đóng cho vừa vặn với bàn chân. Có thể liên tưởng rộng ra, nó như một khung trời hoa mộng với bao ước mơ, hoài bão...
Nhưng một biến cố nào đấy đã khiến cho chiếc giày lạc mất bàn chân...Và bàn chân đã được một chiếc giày khác, bao bọc gót son dọc chặng đường đời. Nhưng phía dưới "gót son" ấy, chỉ riêng bàn chân cảm nhận được những hạt sạn nhỏ nhoi...
Một ngày lãng đãng, vu vơ nào đó, vô tình chợt nuối tiếc thời gian, bàn chân thử đi tìm chiếc giày cũ, tìm lại ước mơ khôi nguyên thuở nào...
Và bâng khuâng nhận ra sự thay đổi của thời gian, của hình hài xưa cũ.
     Bài thơ “Ướm thử giày xưa” quả thật là sự day dứt  nỗi niềm về sự đổi thay mất mát. Và, cao hơn thế  mà cũng là cái hồn của bài thơ là sự nuối tiếc một thời – một thời khôi nguyên với mọi vẻ đẹp của cuộc đời!

       *
  
Chọn ba bài thơ mang tính đại diện cho thơ Tiếng Lòng để giới thiệu trên đây, tức là tôi chọn sự khẳng định về tính đa dạng thi ca, về chất lượng nghệ thuật và về sự đồng cảm với nữ thi nhân.
Thi ca là cuộc sống, mà cuộc sống vốn đa dạng, nên sự đa dạng thi ca là điều đương nhiên và cần khuyến khích. Nếu “Củi khóc” sâu đằm trong ý tưởng triết luận nhân văn, “Trăng rỗng” thể hiện một cách khác người về tình yêu, thì “Ướm thử giày xưa” bộc về nỗi niềm bất ổn của con người. Không chỉ về ý tưởng, mà cả hình thức vần điệu cũng đa dạng: Trong khi “Ướm thử giày xưa” là thơ lục bát truyền thống, thì “Trăng rỗng” là thơ khổ tám chữ, “Củi khóc” là thơ khổ năm chữ - nói rộng ra một chút: Ta còn biết “Cafe” mới đây và nhiều bài khác của Tiếng Lòng là thơ tự do.
Tiếng Lòng xây dựng hình thượng thi ca theo cách riêng của mình – đó là lối dùng đối tượng , sự vật cụ thể, để khi thì ví von, khi thì nhân cách hóa, khi thì gài cắm hồn mình vào đó: Củi trong “Củi khóc”, trăng trong “Trăng rỗng”, giày trong “Ướm thử giày xưa”...
Hệ thống thi từ-thi ngữ trong thơ Tiếng Lòng thật biến hóa khôn lường – khi cụ thể, khi trừu tượng; khi là phương tiện cảm kể hay cảm tả, khi là cung cách của diễn cảm tâm tư...
Thơ hiện nay thường thể hiện các xu hướng cách tân khác nhau. Lạm dụng các phương pháp sáng tác tượng trưng, siêu thực, trong nhiều trường hợp người ta đưa thơ đến chỗ xa lạ với bạn đọc, rõ nhất là “thói tùy tiện thi ca” - tôi tạm dùng cụm từ này! Tùy tiện phi lô-gic trong tư duy nghệ thuật, tùy tiện sử dụng ngôn từ, tùy tiện tước bỏ không chỉ vần mà cả điệu trong thơ... Thật sự, thơ Tiếng Lòng là thơ cách tân chuẩn mực, đáng chú ý là tính tư duy nghệ thuật theo lô-gic. Cụ thể là ở mỗi bài thơ, diễn tiến cảm xúc theo trình tự hợp quy luật, chứ không tùy tiện “rẽ ngang, ngoặt tắt”, khiến người đọc bơ vơ giữa đường thơ... Về ngôn từ và vần điệu của thơ Tiếng Lòng, thì như đã được đề cập.
Có thể nói thêm nữa, song chỉ vậy cũng đủ để hiểu một cây bút nữ thi ca mà ta đang nói về Chị. Những gì được trình bày trong bài viết này không nhằm khen và càng không phải là khen quá lời, mà để thể hiện sự đồng tình của người phê bình với tác giả thi ca mà thôi!
Kết thúc bài viết, xin gửi tới nữ thi nhân lời chúc mừng về những gì đã đạt được và niềm hy vọng về những gì sẽ đạt tới!
                                           Hà Nội, tháng 11 – 2012
                                                          M.T
                                                                      
                                                                      
                                                                
       

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

RU MÌNH

Trịnh xưa có khúc “Ru tình”(*) Ta nay có khúc ru mình, mình ơi! Ru mình từ thuở đưa nôi Cảm thương cha mẹ đầy vơi... ru mình Ru mình từ thuở ươm tình Lời yêu có để cho mình ngất ngây? Ru mình trong gió thu nay Con bồ câu nhỏ ban mai gọi tình? Ru mình...ta lại ru mình Dẫu xa dáng, vẫn cứ hình vương say Ru mình theo hạt mưa bay Sang ngang lỡ bước mà cay đắng lòng Ru mình, mình nhớ ta không? Mình đi ta vẫn ngày trông, đêm chờ! Ru mình hoài niệm như mơ Tình xưa còn nữa, hay giờ đã xa? Ru mình giữa trận phong ba Thắp lên ngọn nến cho ta ru mình Ru mình...mình tự ru mình Ru đi, mình hỡi, gọi tình trong ta! Ta-mình trong cõi bao la Ru nhau mà lại hóa ra ru Đời Biển xa, núi thẳm, sông dài Ru mình như cả đất trời ru ta Trời cao, đất rộng, người xa Nâng câu hát cũ để ta ru mình Thênh thang đi giữa sóng tình Dẫu không..., vẫn mãi dáng mình trong ta Nhạc đời dìu dặt, ngân nga Ta gom mọi khúc tình ca ru mình Mơn man em... giấc mơ lành Vuốt ve em... bỗng trở thành ru ta Ơi à!... Ơi hỡi!... Ời a!... Mai Thanh

                                                                                

Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

CHÙM THƠ RÚT TỪ TẬP THƠ "SẮC LÁ"

RẰM THÁNG BẢY Ngày rằm xá tội vong nhân Chết rồi vẫn sợ lỗi lầm đó ư? Cõi âm còn vậy, không ngờ Cõi trần sao nỡ làm ngơ lỗi lầm? HỒN RỪNG Chim trốn nắng bay tìm trong hiu hắt Cây trơ cành khắc khổ giữa rừng khô Đất kiệt quệ bởi mạch ngầm đã tắt Hồn rừng ơi, xơ xác tự bao giờ Hồn rừng đi rồi để lại đất bơ vơ Nỗi oán giận cùng xót xa trộn lẫn Oán kẻ giết rừng lưỡi rìu tàn nhẫn Để hồn rừng héo hắt xác xơ... MÙA ĐÔNG Ở QUÊ Mây đen phủ kín bầu trời Gió than nức nở đưa lời ưu tư Bờ sông hiu hắt lau khô Chú chim bói cá xác xơ bám cành Hồ khan queo quắt rêu xanh Trẻ trâu núp dưới chòi canh giữa đồng Lào xào tiếng của mùa đông Bồ nâu xõa cánh buồn không kiếm mồi Tre già níu lá "cầm hơi" Giếng lang vơi nước đã thôi tay gầu Vàng khô giàn bí giàn bầu Ban mai ướt đẫm nhuốm màu sương sa Gió gào tím tái hồn ta Ở quê mới biết sao là mùa đông Thương người thợ cấy giữa đồng Áo tươi nón lá ấm lòng chút nao? NHỎ NHOI Nhỏ nhoi là nhỏ nhoi ơi Hay ăn hay ngủ chăm chơi ông mừng Ngoài sân tiếng trẻ tưng bừng Nhỏ nhoi con cũng vui cùng chị anh Này hoa này kẹo này tranh Con chia cho bạn chớ giành phàn hơn Nhỏ nhoi đôi gót chân son Đôi bàn tay ếch mắt tròn chim khuyên Má bầu có lúm đồng tiền Tiếng con reo tựa tiếng chim trong ngần Xôn xao điệu nhạc vào xuân Nhỏ nhoi từng bước con lần lối đi Đường xa biết mấy nặng nề Trên vai mang cả bộn bề thế gian Mai ngày dẫu lắm gian nan Siêng năng con học say ham con làm Chẳng mong xuất chúng siêu phàm Chỉ mong rạng rỡ họ hàng gia phong Ông Bà Cha Mẹ cầu mong... TRƯƠNG CHI Chàng Trương mặt xấu da đen Hát hay cũng cũng chẳng xây nên mộng đời Kiếp sau nên nhớ lấy lời Hãy đem tiếng hát dâng người chân quê Hám chi Mỵ nữ phòng khuê Để dòng sông khóc tỷ tê đời tình Chèo xuân mở hội sân đình Thương cho tiếng hát đắm mình đáy sông Trách ai yêu chẳng hết lòng Chỉ yêu tiếng hát mà không yêu người. CỘI XƯA 1. Sinh con trên mảnh đát nghèo Bếp mai hết gạo bếp chiều lạnh tanh Tảo tần vai Mẹ mỏng manh Củi khô bán chợ lúa xanh bán đồng Nuôi con phụng dưỡng mẹ chồng Mưa dầm bão giật chẳng lòng phôi pha... 2. Cháu con sum họp đầy nhà Cúi đầu kính Me, kính Cha sinh thành Cội xưa nay mới có cành Càng thương Mẹ thuở lạnh tanh bếp chiều Càng thương Quê – mảnh đất nghèo Nơi đây cất giữ bao điều cội xưa! TÌM LẠI HƯƠNG NGÂU Bao nhiêu năm đã xa rồi Vẫn nguyên kỷ niệm một thời trong anh: Mắt nhìn lúng liếng long lanh Miệng cười nghiêng cả trời xanh thuở nào Xưa không nên mận nên đào Để cho lúng liếng rơi vào nơi đâu Ta về tìm lại hương ngâu Một thời thoang thoảng mái đầu ai xưa Hương ngâu từ bấy đến giờ... TẬN NƠI THẲM CÙNG Soi gương con tự ngắm mình Làn môi giống mẹ ánh nhìn giống Cha Bàn ta thon hả giống Bà Giống Ông con có nước da mặn mòi Tuệ thông không hiện gương soi Nhân từ lắng đọng tận nơi thẩm cùng Ngàn năm quốc sắc gia phong Cho con cái trí cái lòng con ơi!

ĐỈNH TÌNH YÊU





Ngọt ngào đôi môi
Hừng hừng đôi má
Hồn ta mở thả
Ve vuốt bàn tay
Hương tóc thơm say
Lưỡi mềm dịu ngọt
Nhịp tim dồn dập
Ngực căng ấm mềm
Nõn nà da em
Nồng nàn hơi thở
Ngả nghiêng lơi lả
Hồn theo cánh diều...

Nâng em tới đỉnh tình yêu
Để đời ta với cánh diều bay lên.




GIÁ SƯƠNG LÒNG NGƯỜI

Tôi đi trên đường mang tên Xuân Diệu Nghe hồn mình rạo rực khúc tình “Ghen” Tôi đi trên đường mang tên Đồ Chiểu Nghe lòng mình náo nức “Lục Vân Tiên”... Tôi mang trong tôi bài thơ Tố Hữu: “Tiếng chổi tre” Quét vào đâu? Không có một tên đường! Bùi ngùi tôi - nặng vấn vương... Nỗi niềm tôi - lạnh giá sương lòng người! 

Thứ Tư, 19 tháng 12, 2012

VIỆT NAM TA Trường ca)






      
                                             

Mai Thanh
Chương 1: Sinh thành-phát triển
Chương 2: Hai mặt cuộc đời
Chương 3:Văn hóa đậm đà
Chương 4: Tiếp bước đi lên


                    *


Chương1.
SINH THÀNH -
PHÁT TRIỂN

Dựa lưng vào Trường Sơn
Ngẩng mặt nhòm Đông Hải
Ta – hậu duệ của Mẹ Âu Cơ
Của Cha dòng họ Lạc
Theo Mẹ lên rừng theo Cha xuống biển
Ta làm nên Tổ quốc Lạc Hồng
Tổ quốc của những người đàn ông xả thân vì nước
Của những người đàn bà tần tảo sớm hôm
Đất nước của Phù Đổng Thiên Vương
Của Tản Viên
Của Mẫu Nghi Chúa Liễu
Và của chàng trai nghề chài họ Chử
Họ bất tử như nước này bất tử
Họ quên mình cho xứ sở quê hương
Từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu
Từ Lý Bí, Thúc Loan
Đến Phùng Hưng, rồi nữa Ngô Quyền
Tiếp đến Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê
Quang Trung-Nguyễn Huệ
Qua dòng tộc Nguyễn Hoàng
Đi vào thời đại Hồ Chí Minh
Lịch sử trải mấy ngàn năm
Cây ná, thanh gươm
Mũi tên, khẩu súng
Tuôn đổ máu đào
Để giữ vững vương triều-xứ sở
Đất nước đầu sóng ngọn gió
Xả mình cứu những con đê
Dẹp bão lũ để đón lúa về
Để gọi mùa ngô căng hạt

Để tiếng hát hội mùa dào dạt ngân vang
Thôi thúc đánh giặc giữ làng
Riết róng giữ mùa ngô lúa...
Đánh giặc như Thánh Gióng
Giữ mùa như Tản Viên
Thương nhau theo Liễu Hạnh-Mẹ Hiền
Tình yêu hồn nhiên như Tiên Dung-Đồng Tử...
Tổ quốc hồng trang sử
Đất nước ngời trang văn
Nhìn trở về xưa mấy ngàn năm
Lòng chẳng thẹn cùng sông núi
Tre Đằng Ngà lũ giặc Ân chết rụi
Bạch Đằng giang dậy sóng Ngô Quyền
Đinh Tiên Vương thống nhất mọi miền
Ngời ngời quốc danh
Đại Cồ - Non nước Việt
Bài thơ thần bên bờ Như Nguyệt
Hào hùng Thường Kiệt
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư!”
Lại thêm lần nữa:
Trên Bạch Đằng xưa
Hưng Đạo Đại vương dậy sóng
Những Chi Lăng, Xương Giang, Tốt Động...
Sảng hào bài Đại Cáo Bình Ngô
Nguyễn Huệ-Quang Trung áo vải phất cờ
Chôn bao vạn quân Thanh
Dưới mồ Đống Đa lịch sử!
Đánh giặc Pháp bao lần sinh tử:
Cần Vương theo chiếu Hàm Nghi
Rồi chín năm kháng chiến trường kỳ
Tiếp nữa hai mươi năm đánh Mỹ
Từ Điện Biên tiến quân vào ngụy quyền dinh lũy
Từ khoét núi xuyên hầm đến thần tốc xông pha
Giành vẹn tròn một dải nước non ta!

Nhìn gần rồi lại nhìn xa
Nhìn đất nước rồi nhìn ra thế giới
Hệ thống mới – cờ búa liềm phấp phới
Tiến lên theo lý tưởng loài người:
Không đói nghèo cho khắp muôn nơi
Không áp bức con người trên mọi nẻo
Rồi hệ thống thực dân sụp đổ
Cả loài người hăm hở đi lên...
Buồn biết bao nhiêu
Khi điều tốt đứng chưa yên
Chuyện dở đã xông vào chiếm chỗ:
Duy ý chí như cuồng phong quẫy cựa
Thói cực quyền như đá nặng ngàn cân
Rồi lại thêm nhũng lạm - quan tham
Hệ thống bảy mươi năm thành mây khói
Ta vẫn vững trên con đường đi tới
Theo lý tưởng loài người bằng cách của riêng ta!
Mang lại giàu sang cho cả muôn nhà
Mang lại tự do toàn xứ sở...
Như lời Bác vẫn thường nhắc nhở:
“Chủ nghĩa nào cũng cần lành áo no cơm!”


Đường lên dẫu lắm gian truân
Bắp tay không mỏi gân chân chẳng chồn...

Chương 2.
HAI MẶT CUỘC ĐỜI

Say vui nhưng chẳng quên buồn
Bởi đời luôn hai mặt
Như cuộc sống khi khoan khi nhặt
Như vũ trụ có ngày có đêm
Đang vui hân hoan đại thắng Điện Biên
Bỗng buồn “quá tả” nông thôn cải cách
Vui hả hê dựng xây Miền Bắc
Buồn tư duy trói buộc tinh thần
Có những anh hùng-liệt sĩ vì dân
Không ít kẻ đào quân – trốn lính
Cơ chế hiện hành nghe lời vui cất tiếng
Vẫn xót lòng bởi nghèo đói chưa vơi
Một ít giàu lên mặc sức ăn chơi
Bao thân phận hẩm hiu khốn khổ 
Có nhiều người tác phong năng nổ
Thôi thúc kiếm tìm
Để cái vui từng bước sinh thành
Lại có những cái đầu lạnh tanh
Trì trệ tư duy như người dưới mộ
Nhìn cuộc đời ngu ngơ, bỡ ngỡ
Khi người người chung tay
Tiến lên phía trước
Khi tất cả xả thân vì nước
Không ít kẻ đua nhau đục khoét
Đẫy tay vơ vét “của chùa”
Ai đó hết lời lên án xưa
Mà chẳng thấy nay đầy vấn nạn
Nhiều nếp nghĩ hồng tươi bừng sáng
Lắm tư duy rực rỡ mai hồng
Vẫn không ít người nói có mà không
Vẫn không ít người nói không mà có
Khi vàng son thì xông lên hăm hở
Lúc sa cơ vội vã ngã cờ
Mặc sức mỉa mai một thuở dại khờ
Hết lẽ chê bai một thời thơ mộng
Một dân tộc đất dài biển rộng
Mấy ngàn năm bền vững cõi bờ
Bao người này say giấc mơ xa
Bao kẻ nọ nhỏ nhoi thiển cận
Khi có tình thương mênh mông vô hạn
Là lúc “Nhiễu điều phủ lấy giá gương”
Cũng có kẻ bo bo không biết nhịn nhường
“Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại”
“Tiền thầy bỏ đẫy sống chết mặc bay”
Không chút mủi lòng chia sẻ dứt day
Trước đớn đau người khác
Khi chịu đựng hy sinh vì đất nước
Bởi tính tiên phong, gian khổ không nề
Nhưng tác phong nông nghiệp lề mề
Thêm nữa tư duy siêu hình, méo mó...
Thấy cho hết những gì đáng có
Nhận rõ những gì ta chẳng chờ mong

Dòng sông hai mạch song song
Thải đi mạch đục; mạch trong đón về
Đục trong trăm nỗi bộn bề
Đôi lời tâm sự dãi dề lòng ta.

 Chương 3.
VĂN HÓA ĐẬM ĐÀ

Nhìn lại mình từ thuở xưa xa
Văn hóa nước nhà – một kho tàng đầy ắp
Từ Kinh Dương Vương-Lộc Tục
Đến Sùng Lãm-Lạc Long Quân
Cùng nàng Âu Cơ giao thân
Nên Tiên-Rồng trăm trứng
Cội nguồn Tổ quốc-Non sông
Hơn 50 quốc tộc anh hùng
Ngồn ngộn các sử thi:
“Đam San” Ê-đê
“Xóng chụ xon xao” Thái
“Đẻ đất đẻ nước” Mường...
Mãi mãi vấn vương
Trong điệu hát xẩm xoan
Day dứt giọng bà Cầu(*)
Cao sang nhịp ca trù bà Quách(*)
Mắt lúng liếng nâng bài chèo bát ngát
Miệng ngọt ngào lời bà Lý ngân vang(*)

Câu quan họ mịn màng:
Thổn thức lời mời Thúy Cải(*)
Bài ca phường vải
Hòa cùng tiếng hát đò đưa
Giọng ru hời vời vợi nỗi niềm xưa:
“Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày”
Tiếng Trống Đồng tung cánh Lạc bay
Miền Ốc-Eo gọi mời quá khứ
Ngọn Tháp Chàm dội về nỗi nhớ
Nâng hồn ta theo mảnh đất duỗi dài...
Cong cong hình hài
Gánh thóc đòng đưa
Ba miền chung vai nâng đỡ
Đại cáo bình Ngô hào hùng
Mà khoan dung nhân nghĩa
Đọc Nguyễn Du nghe lòng rưng rưng
Thương tiếc một tấm thân
Đau xót mọi kiếp người:
“Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”
Ta ngắm Bác ung dung
Những bài thơ trong ngục
Giữa xuân trời náo nức
Gặp trăng ngân đầy thuyền...
Như đất nước mình
Bát ngát trăng lên
Ba Con Người ngời tên:
Ba vĩ nhân ở ba thế kỷ (**)
Lồng lộng hồn Chân – Thiện – Mỹ
Một dân tộc qua nhiều thiên kỷ
Lẫy lừng bay giữa nhân gian...

Ôi, tự hào Văn hóa Việt Nam!


 Chương 4.
TIẾP BƯỚC ĐI LÊN
Nào! Ta lại đi lên!
Xốc lên vai hành trang lịch sử
Đường lên hăm hở
Thách thức nhiều cản trở
Ngời ngời cơ hội mời dâng
Lịch sử gọi những bàn chân
Đi tiếp chặng đường đang mở
Ta tự mình đã rõ
Những điều dở điều hay
Những cái mỏng cái dày
Không được phép tự ty
Lại càng không tự mãn
Không quá say sưa về một thời quá vãng
Không bàng hoàng trước thế giới đổi thay
Lạc hậu nghèo nàn là nỗi dứt day
Không thể sống chung cùng đói nghèo lạc hậu
Cởi bỏ nỗi đau ngẩng đầu nhìn phía trước
Hâm bầu máu Lạc Hồng


Theo lời Non Nước:
Dù thế nào dân cũng phải ấm no

Tiếp bước đi lên theo đà tiên tiến
Đất nước!
Mênh mông là biển
Bát ngát là rừng
Bao la trung du nhiều vẻ

Quặng vỉa bộn bề trong lòng đất mẹ
Rốn dầu ăm ắp đại dương
Sức trẻ bời bời bốn phương
Trí tuệ dạt dào tám hướng
Gọi mời tiên tiến
Gọi mời đi lên
Lên tới đỉnh cao
Nhìn đi bốn hướng
Hướng Tây có bạn bè
Hướng Đông có biển cả
Nhìn rõ sóng ma vờn ven biển
Giữ cho bờ đảo không mòn
Giữ những giếng dầu Đất Mẹ
Ơi, anh lính Hải quân
Hiên ngang hùng vĩ:
Việt Nam!
Hôm nay sắc trời màu da cam
Hẳn ngoài khơi có bão?
Bão đất-bão trời
Bão người-bão thú
Cả Việt Nam là hạm thuyền chống giữ
Cho vẹn tròn biển đảo Ông Cha
Ơi, Hoàng Sa!
Ơi,Trường Sa!
Là vậy đó:
Trên đường đi tới
Vừa xây vừa giữ
Nâng đất nước lên tầm cao vạm vỡ
Và đi lên trong êm ả yên bình
Giữ đất này bão lặng trời xanh
Đã từ thuở “Sơn hà Nam quốc”
Tiếp thời “Đại cáo bình Ngô”
Đến “Tuyên ngôn” dõng dạc tiếng Bác Hồ
Vững chãi sơn hà xã tắc
Cuộc hành trình dồn chân bước tiếp
Rỡ ràng thế kỷ ta ơi!
Tuyên ngôn mới:
“Dân giàu nước mạnh!”
Tỏ rõ tinh thần Việt Nam ta!

 *
* *

Chuyện gần rồi nữa chuyện xa
Chuyện hôm nay chuyện ngày qua đã nhiều
Chuyện vui như gió nâng diều
Chuyện buồn âu cũng là điều như nhiên
Chuyện vui thúc bước ta lên

Chuyện buồn - bài học không quên, hỡi người!
Đã nghe chân bước của Đời
Đã nghe hồn Nước ngọt lời ru ca:
Ơi hời, ơi hỡi
 Việt Nam ta!
(*) Nữ nghệ sĩ ưu tú Hà Thị Cầu (hát xẩm), nữ nghệ sĩ nhân dân Quách Thị Hồ (hát ca trù), nữ nghệ sĩ nhân dân Minh Lý (hát chèo), nữ nghệ sĩ ưu tú Thúy Cải (hát quan họ).
(**) Ba Danh nhân văn hóa thế giới được Unesco công nhận: Nguyễn Trãi – thế kỷ XV, Nguyễn Du – thế kỷ XVIII, Hồ Chí Minh – thế kỷ XX.