Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

HAI BÀI THƠ XUÂN

CHỢ LÀNG Chợ làng: Cũng thịt cùng rau Cũng cua cùng cá Cũng cau cùng trầu… Ai vô siêu thị cao lầu Riêng ta vẫn cứ chợ Cầu, chợ Đê! Mình ơi, giữ lấy chân quê Đừng ham phố thị mà chê chợ làng! Bán mua nhu nhã, khẽ khàng Mà vui cái bụng, mà nhàn cái thân Chợ làng rộn rạo vào xuân… CẢM NHẬN MÙA XUÂN Ta đi trong mùa xuân Nghe mai vàng nảy lộc Ta đi trong mùa xuân Nghe lời yêu thẽ thọt Ta đi trong mùa xuân Nghe tiếng đàn dịu ngọt Ta đi trong mùa xuân Nghe đời đang rót mật Ta đi trong mùa xuân Nghe lòng ta chân thật Ta đi trong mùa xuân Nghe sinh sôi vạn vật…

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

BÀI THƠ "KHÚC VỌNG QUÊ XƯA" CỦA HƯƠNG GIÓ




Hương Gió có tên khai sinh là Đào Thị Liên, hiện là giáo viên tiểu học tại tỉnh Vĩnh Phúc. Dạy học và làm thơ là niềm vui song hành của Hương Gió: Dạy giỏi là một điều kiện để làm thơ hay; ngược lại, làm thơ hay là tạo thêm điều kiện để dạy giỏi. Thơ Hương Gió nồng nàn trong cảm xúc đối với người thân trong gia đinh và quê hương; rộng ra là, đối với con người và cuộc sống, nói chung. Hình tượng thơ Hương Gió  không dừng lại ở tác động trực quan mà đi sâu vào gián cảm sâu thẳm nơi tâm hồn người đọc, khiến người đọc phải rúng động đến bất an và thiết thao đến nông nỗi!
Cách thể hiện trong thơ Hương Gió bao gồm hình tượng thơ độc đáo; ngôn từ có sức gợi cảm mạnh mẽ; vần điệu chuẩn luật; thanh âm uyển chuyển, mượt mà...
"Khúc vọng quê xưa" là bài thơ mang đặc trưng đáng kể của thơ Hương Gió. Xin giới thiệu bài thơ cùng bạn đọc:

KHÚC VỌNG QUÊ XƯA
 Măng còm nép dưới bờ đê
Gió khan vò tóc hàng tre rối bời
 Bồ không đợi thóc tháng mười
 Mái thưa nhạt thếch nụ cười tháng ba
 Trọc đồi tháng bảy trông ra
 Bãi sông trắng cát cải hoa thót ngồng
 Lom rom lúa chửa nhô đòng
 Dội cơn mưa đá thối đồng trơ rơm
Bốn người chia một lưng cơm
 Bát canh củ chuối mẹ đơm chát lòng
 Thương cha tát nước mẻ sòng
 Tướp tưa tay chị đãi dòng mò cua
 Quê nghèo nước mặn đồng chua
Chuột vâu bỏ hốc vái chùa xin ăn
 Trung thu méo xẹo mặt trăng
 Tò he lăn lóc nhện giăng mạng dày
 Dải khoai héo vắt vai gầy
 Cào cào giã bóng mặt mày xanh xao
 Trơ xương cá gục bờ ao
 Củ khoai mẹ gói con chào đi xa
 Mấy mươi năm thoắt trôi qua
 Đổi thay hình bóng quê nhà khác xưa
 Tre ngà gội tóc chiều mưa
 Võng ru êm khúc đòng đưa măng tròn
 Cô em phơi thóc xinh giòn
 Bội thu mùa gặt rạ còn vương đê
 Trung thu trăng ngập đường quê
 Tùng rinh tiếng trống vọng về ngày thơ.
 Bài thơ thể hiện cảm xúc về quê hương với hai ý tưởng lớn: Nỗi buồn về cảnh đói nghèo xưa kia và niềm vui đổi thay hôm nay. Ý tưởng như thế về quê hương đã không ít người đề cập. Song, điều đáng nói ở đây là cách đề cập thế nào - nói cách khác, đó là thi pháp mà nhà thơ sử dụng ra sao?
Trước hết, đó là hình tượng "các nhân vật" trong bài thơ là những người thân của chính tác gỉả hiện lên như là chân dung tượng trưng cho nỗi khổ cực: Chỉ một lưng cơm mà phải chia nhau cho bốn người! Bát canh củ chuối chát hay chính lòng mẹ chát khi đơm cho người thương yêu của mình? Cái gầu sòng bị mẻ hay chính cái sức lực của cha bị "mẻ" bởi đằng đẵng tháng ngày tát nước? Bàn tay  của chị  tướp tưa  bởi suốt ngày bắt ốc mò cua dưới nắng đồng gay gắt...Và rồi, cái nỗi đau xa xứ vì miếng cơm manh áo đã xảy ra - điều khá phổ biến ở nông thôn Việt Nam vào thuở ấy:
                Củ khoai mẹ gói con chào đi xa


Cái cách miêu tả của Hương Gió về một làng quê xơ xác đạt đến mức não lòng! Những gì của quê làng đều bị xiêu vẹo, méo mó, biến dạng không còn như chính nó: Ngay tháng mười mà bồ cũng không có thóc; hoa cải bên sông là hình ảnh phổ biến của làng quê, thế nhưng bên bờ sông chỉ còn là cát trắng; ngay cả đến con chuột cũng phải hang ổ mà đi; rồi đến trăng trung thu cũng không tròn, trò chơi trung thu cũng bị nhện chăng lăn lóc; rồi nữa, con cá dưới ao cũng gầy trơ xương, bởi nó cũng đói như người vậy!
Bài thơ sử dụng thi từ-thi ngữ thật tuyệt vời: Những "măng còm", "gió khan", "lom rom" xác xơ", "méo xẹo", "lăn lóc", thót ngồng... Nhiều lắm,không kể hết!

Dạng thơ lục bát truyền thống được nhà thơ thể hiện chuẩn luật, thanh âm mượt mà trầm bổng được sử dụng uyển chuyển trong luật trắc-bằng...
Ở phần nói về niềm vui hôm nay, cũng với thi pháp như trên,nhưng nhằm vào ý tưởng ngược lại - ý tưởng đổi thay của quê làng, nhà thơ đưa tới một người đọc một niềm vui đến nao lòng:
Tre ngà gội tóc chiều mưa
Võng ru êm khúc đòng đưa măng tròn
Cô em phơi thóc xinh giòn
Bội thu mùa gặt rạ còn vương đê
Trung thu trăng ngập đường quê
Tùng rinh tiếng trống vọng về ngày thơ.
Cảm ơn Hương Gió và chúc mừng nữ thi sĩ về "Khúc vọng quê xưa" - một bài thơ hay! Độc giả mong được đọc nhiều bài thơ hay hơn nữa của Hương Gió!



VỀ BỐN TẬP THƠ CỦA MAI THANH



         BÀI THƠ ÁNH MẮT NGÀY XƯA”
           VÀ LỜI BÌNH
                                                                      HÀ KHOA
Yêu em từ độ xuân thì
Dung nhan thuở ấy còn gì nữa đâu!
Muối tiêu rắc trắng mái đầu
Nếp nhăn vầng trán hõm sâu vai gầy
Phong trần biết mấy đổi thay
Chỉ riêng ánh mắt vẫn ngày xa xưa
Đời người biết mấy nắng mưa
Tình người vẫn thuở ngu ngơ... xuân thì.
     Khi được yêu, người con gái thu hút người con trai qua hình thể và tâm hồn. Dường như đôi mắt - một yêu tố hình thể có sức thu hút mạnh nhất, chả thế mà người đời hết lời tấm tắc về những "đôi mắt bồ câu", "đôi mắt lá liễu", "đôi mắt huyền nhung", đôi mắt biết cười"...Còn tâm hồn là vẻ đẹp bên trong của người con gái - vẻ đẹp đa dạng, ẩn sâu, nhiều khi khó nhận biết đối với nhiều người mà chỉ người yêu của cô ta mới có thể nhận biết được. Đó có khi là nết na ngoan hiền, có khi là đậm đà tình nữ, thậm chí, chỉ là giọng nói nhỏ nhẹ dễ thương...Một quy luật của khoa học tâm-sinh lý chỉ ra rằng: Vẻ đẹp bên trong nói trên - tâm hồn người con gái - được bộc lộ qua đôi mắt. Bởi vậy, nên mới có câu "Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn". Dù là đôi mắt đẹp (như trên đã nói) ngay cả đôi mắt không đẹp, thì vốn dĩ là đôi mắt, nên vẫn là cửa sổ của tâm hồn! Không ngạc nhiên gì khi đôi mắt gắn với tình khít khao đến thế, khiến văn chương-nghệ thuật, trong đó có thơ ca bám lấy đôi mắt. "ăn theo" đôi mắt mà tạo nên sản phẩm văn hóa-tinh thần.
     Cũng vậy,"Ánh mắt ngày xưa" không nói nhiều về cái đẹp của đôi mắt, mà nhấn mạnh tính "vững bền tình yêu" của đôi mắt. Dung nhan người con gái qua phong trần năm tháng đã tàn phai, "Muối tiêu rắc trắng mái đầu" / Nếp nhăn vầng trán hõm sâu vai gầy", nhưng "Chỉ riêng ánh mắt vẫn ngày xa xưa". Ở đây là "ánh mắt", chứ không phải là "đôi mắt"! Thật sự, là bộ phận cấu thành của cơ thể, đôi mắt vẫn phải già đi, khác xưa là tất yếu, nhưng "ánh mắt" thì hoàn toàn nguyên vẹn.Sự tinh tế của ngôn ngữ thơ là vậy đó!
     Hai câu thơ kết luận trong cách so sánh giữa đời người và đời tình, một lần nữa, cũng là khẳng định sự bất biến của tình yêu:
                                     Đời người biết mấy nắng mưa
                                     Đời tình vẫn thuở xa xưa xuân thì
     Bài thơ ngắn gọn-xúc tích, bộc lộ một trạng thái tình yêu có tính quy luật: Khi tình yêu lứa đôi thực sự được xác lập, thì tình yêu ấy neo giữ suốt cuộc đời của đôi trai gái. Điều nhân văn ấy đã được thể hiện trong văn chương –nghệ thuật từ đông sang tây từ cổ chí kim, theo cách nói dân gian “tình cũ không rủ cũng đến” và dẫu nhiều bất thuận trong xã hội đương thời, nàng Kiều sau 15 năm lưu lạc, vẫn tái hồi cùng chàng Kim, gắn nối lại mối tình nảy sinh từ  buổi đầu gặp gỡ trong “ngày xuân con én đưa thoi” chứa chan tình yêu nồng thắm!
    
    

 
Lá xưa triệu năm hóa thạch
Lá thơm trang sách học trò
Lá vàng thu rơi xào xạc
Lá mầm nhú bút non tơ
Lá thông hình kim mũi nhọn
Lá bàng xòe rộng bàn tay
Lá xương rồng dầy và cứng
Lá quế vừa ngọt, vừa cay
Lá khoai đỡ lòng khi đói
Lá cọ che ấm lưng đồi
Lá muồng ngủ khi chờ tối
Lá thơm anh trải em ngồi

Dù muôn vẻ, lá đều là lá
Vẫn đã một lần mang sắc xanh tươi
Dẫu đến độ xám đen màu đá
Nhớ mãi một lần sắc thắm, Người ơi!

Bài thơ "Sắc lá" thuộc dòng thơ triết lý xã hội-nhân văn, gồm 4 khổ với 16 câu. Ở 3 khổ với 12 câu trên, nói về tính chất, đặc điểm của nhiều loại lá - ngầm ý là con người với cuộc sống muôn vẻ, từng có một thời kỳ rực rỡ như màu xanh của lá! Khổ cuối cùng với 4 câu nói về cuối đời của lá: Lá vốn là màu xanh, nay chuyển thành màu xám đen của đá, vẫn nhớ mãi một thời lá thắm xanh - ngầm ý về niềm tự hào của con người, khi đã ngả về phía bên kia của cuộc đời, vẫn không quên thời kỳ rực rỡ, đậm đà ý nghĩa truyền thống của mình! Bài thơ với 4 câu thơ cuối cùng còn đưa ra một thông điệp rằng, ở thời kỳ thanh xuân hãy sống cuộc đời rực rỡ xanh như màu xanh của lá, để đến cuối đời, nhìn lại đoạn đời đã đi qua mà tự hào, mà kiêu hãnh! Mở rộng một chút: Bài thơ gợi nhớ câu nói nổi tiếng trong cuốn tiểu thuyết xô-viết "Thép đã tôi thế đấy: "Con người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho ra sống, để khi nhắm mắt, xuôi tay không ân hận với những ngày đã sống phí, sống thừa...".
Bài thơ kết cấu chặt chẽ, hình tượng thơ tập trung; thơ theo khổ 4 dòng, mỗi dòng 6 chữ; vần điệu đúng luật và giọng thơ trầm bổng - uyển chuyển, gợi cảm hứng âm thanh đáng kể!




                                                                                    HÀ KHOA
Những kỷ niệm về Mẹ là phổ biến và lâu bền, nhất là những khi bắt gặp yếu tố tác động nào đó, thì những kỷ niệm ấy lại dội vô cùng thao thiết!
"Tiếng chim chích chòe" là bài thơ với ý nghĩa như vậy! Con chim chích chòe cất tiếng bên cửa sổ - nơi nhà thơ làm việc - như là yếu tố tác động vào nỗi nhớ Mẹ vẫn neo đậu day dứt trong tâm hồn nhà thơ. Đó là "Tiếng chim ngọt ngào gọi tuổi thơ xưa"; rồi từ tiếng chim đó, bức tranh về làng quê, về Mẹ hiện lên rõ rệt. Ấn tượng nhất là hình ảnh Mẹ lam lũ, cực nhọc suốt đời:
Mẹ còng lưng những tháng năm nhẫn nại
Để mùa về vợi bớt những âu lo
Hình tượng con sáo sậu kiếm mồi, con cá bống lạc đàn làm đâm nét thêm cho nỗi cực nhọc kia của Mẹ. Nỗi cực nhọc có từ nguyên nhân của cái đói quanh năm âu lo vì nó; Mẹ phải còn lưng nhẫn nại để khả dĩ bớt nỗi âu lo trong mấy ngày mùa...Dường như nhà thơ cảm nhận cái đói ấy bám riết cuộc đời mình đến tận bây giờ và nghĩ con chim chích chòe kia như người đang đói, nên vỗ về con chim nhỏ:
Chích chòe ơi, nhặt vài con sâu nhỏ
Như ngày xưa nơi vườn cũ kiếm tìm...
Ở đoạn thơ cuối cùng, tiếng chim chích chòe với những từ ghép "chập chờn", "thao thức", "rạo rực" biểu lộ trạng thái tình cảm của nhà thơ đã quá khứ, đang hiện tại và sẽ tương lai mãi mãi gửi hồn mình về bên Mẹ - nơi vườn xưa xanh thắm, thấp thoáng rặng cây thưa.
Bài thơ bộc lộ tình cảm thật sự chân thành với giọng điệu thiết tha đầy hoài niệm; hình tượng thơ giàu sức gợi nhớ; lời thơ mượt mà; điệu thơ êm ả..., nên dễ gây xúc động đối với người đọc.




                                                      HÀ KHOA
Ngẫm ra mới thấu Cõi người:
Râm ran tiếng khóc, tiếng cười xen nhau
Bao giờ đời hết khổ đau:
Để cho muôn nẻo chen nhau tiếng cười

Bao giờ đời thực là Đời
Để cho muôn nẻo bời bời tiếng vui...

Hai ý tưởng cơ bản hàm chứa trong "Cõi người":
Một là, thực trạng khách quan của cuộc đời, của cõi người bao gồm hai mặt là tiếng khóc và tiếng cười, nghĩa là khổ đau và sung sướng. Đó như là quy luật tồn tại với hai mặt đối lập của của sự vật:
Ngẫm ra mới thấu Cõi người:
Râm ran tiếng khóc, tiếng cười xen nhau
Hai là, ý niệm về một cuộc đời, về một cõi người tốt đẹp: Ở đó, không còn là "xen" nhau của hai tiếng khóc-cười, mà chỉ có tiếng cười "chen" nhau:
Bao giờ đời hết khổ đau:
Để cho muôn nẻo chen nhau tiếng cười
Dường như chưa bộc lộ hết ý nguyện, bài thơ được tiếp thêm hai câu theo cách thể hiện tuy có khác, nhưng vẫn là ý nguyện trên, để ý nguyện ấy được khẳng định một cách chắc chắn hơn:
Bao giờ đời thực là Đời
Để cho muôn nẻo bời bời tiếng vui...
Đến đây, nảy ra một câu hỏi: Phải chăng, tác giả đã chủ quan, duy ý chí và viển vông, khi mong muốn cuộc sống, cõi người này chỉ còn tiếng cười?
Chính nhà thơ-tác giả "Cõi người" đã có lần giãi bầy như sau: Không phải thụ động một chiều, ý thức con người - trong trường hợp chúng ta đang bàn là ý nguyện, thông qua hành động tác động trở lại hiện thực - ở đây là cuộc sống, cõi người -, khiến hiện thực ấy biến đổi theo ý nguyện của chủ thể "Để cho muôn nẻo bời bời tiếng vui...". Thì đó, hoạt động văn chương -nghệ thuật với mục tiêu Chân-Thiện-Mỹ và các loại hình đồng dạng khác đang "tác động trở lại hiện thực" đó sao?
Thi ca càng như vậy, vịn vào lý lẽ nêu trên, nhà thơ bao giờ cũng chắp cho mình đôi cánh thi ca đế nâng cuộc đời, cõi người bay bổng lên tầm cao mơ ước!
Bài thơ ngắn gọn -xúc tích vừa mang tính triết luận, vừa mang tính trữ tình, nêu bật được hai mặt của vấn đề, với kết cấu mở, khiến người đọc suy ngẫm, động rung về nhận thức và cảm xúc, thậm chí trái chiều với ý tưởng bài thơ, đó là điều bình thường và cần thiết không chỉ của thi ca, mà của cả văn chương-nghệ thuật, nói chung.



Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

BÀI THƠ "CÕI NGƯỜI" VÀ LỜI BÌNH HÀ KHOA



Ngẫm ra mới thấu Cõi người:
Râm ran tiếng khóc, tiếng cười xen nhau
Bao giờ đời hết khổ đau:
Để cho muôn nẻo chen nhau tiếng cười

Bao giờ đời thực là Đời
Để cho muôn nẻo bời bời tiếng vui...

Hai ý tưởng cơ bản hàm chứa trong "Cõi người":
Một là, thực trạng khách quan của cuộc đời, của cõi người bao gồm hai mặt là tiếng khóc và tiếng cười, nghĩa là khổ đau và sung sướng. Đó như là quy luật tồn tại với hai mặt đối lập của của sự vật:
Ngẫm ra mới thấu Cõi người:
Râm ran tiếng khóc, tiếng cười xen nhau
Hai là, ý niệm về một cuộc đời, về một cõi người tốt đẹp: Ở đó, không còn là "xen" nhau của hai tiếng khóc-cười, mà chỉ có tiếng cười "chen" nhau:
Bao giờ đời hết khổ đau:
Để cho muôn nẻo chen nhau tiếng cười
Dường như chưa bộc lộ hết ý nguyện, bài thơ được tiếp thêm hai câu theo cách thể hiện tuy có khác, nhưng vẫn là ý nguyện trên, để ý nguyện ấy được khẳng định một cách chắc chắn hơn:
Bao giờ đời thực là Đời
Để cho muôn nẻo bời bời tiếng vui...
Đến đây, nảy ra một câu hỏi: Phải chăng, tác giả đã chủ quan, duy ý chí và viển vông, khi mong muốn cuộc sống, cõi người này chỉ còn tiếng cười?
Chính nhà thơ-tác giả "Cõi người" đã có lần giãi bầy như sau: Không phải thụ động một chiều, ý thức con người - trong trường hợp chúng ta đang bàn là ý nguyện, thông qua hành động tác động trở lại hiện thực - ở đây là cuộc sống, cõi người -, khiến hiện thực ấy biến đổi theo ý nguyện của chủ thể "Để cho muôn nẻo bời bời tiếng vui...". Thì đó, hoạt động văn chương -nghệ thuật với mục tiêu Chân-Thiện-Mỹ và các loại hình đồng dạng khác đang "tác động trở lại hiện thực" đó sao?
Thi ca càng như vậy, vịn vào lý lẽ nêu trên, nhà thơ bao giờ cũng chắp cho mình đôi cánh thi ca đế nâng cuộc đời, cõi người bay bổng lên tầm cao mơ ước!
Bài thơ ngắn gọn -xúc tích vừa mang tính triết luận, vừa mang tính trữ tình, nêu bật được hai mặt của vấn đề, với kết cấu mở, khiến người đọc suy ngẫm, động rung về nhận thức và cảm xúc, thậm chí trái chiều với ý tưởng bài thơ, đó là điều bình thường và cần thiết không chỉ của thi ca, mà của cả văn chương-nghệ thuật, nói chung.



BÀI THƠ “TIẾNG CHIM CHÍCH CHÒE” VÀ LỜI BÌNH - HÀ KHOA



Không phải tiếng họa mi gượng hót trong lồng
Không phải tiếng cúc cu vô tâm từ đồng xa vọng lại
Mà chính tiếng lòng nhớ về xa ngái:
Tiếng chích chòe bên cửa sổ phòng ta
Tiếng chim ngọt ngào gọi tuổi thơ xưa:
Bầy cà cưỡng kiếm mồi trên luống cày đất bãi
Mẹ còng lưng những tháng năm nhẫn nại
Để mùa về vợi bớt nỗi âu lo
Sông Cầu Chầy nuôi con sóng ngu ngơ
Đàn bống nhỏ lạc bầy mùa nước lũ
Chích chòe ơi, nhặt vài con sâu nhỏ:
Như ngày xưa nơi vườn cũ kiếm tìm...

Dĩ vãng chập chờn chở nặng tiếng chim
Mà hiện tại mãi còn thao thức
Rồi mai đây vẫn còn rạo rực
Tiếng chích chòe xanh vườn Mẹ ban trưa
Bóng chích chòe thấp thoáng rặng cây thưa

Ơi chích chòe
Ôm ấp tuổi thơ xưa...

                                      *
                                   *     *
Những kỷ niệm về Mẹ là phổ biến và lâu bền, nhất là những khi bắt gặp yếu tố tác động nào đó, thì những kỷ niệm ấy lại dội vô cùng thao thiết!
"Tiếng chim chích chòe" là bài thơ với ý nghĩa như vậy! Con chim chích chòe cất tiếng bên cửa sổ - nơi nhà thơ làm việc - như là yếu tố tác động vào nỗi nhớ Mẹ vẫn neo đậu day dứt trong tâm hồn nhà thơ. Đó là "Tiếng chim ngọt ngào gọi tuổi thơ xưa"; rồi từ tiếng chim đó, bức tranh về làng quê, về Mẹ hiện lên rõ rệt. Ấn tượng nhất là hình ảnh Mẹ lam lũ, cực nhọc suốt đời:
Mẹ còng lưng những tháng năm nhẫn nại
Để mùa về vợi bớt những âu lo
Hình tượng con sáo sậu kiếm mồi, con cá bống lạc đàn làm đâm nét thêm cho nỗi cực nhọc kia của Mẹ. Nỗi cực nhọc có từ nguyên nhân của cái đói quanh năm âu lo vì nó; Mẹ phải còn lưng nhẫn nại để khả dĩ bớt nỗi âu lo trong mấy ngày mùa...Dường như nhà thơ cảm nhận cái đói ấy bám riết cuộc đời mình đến tận bây giờ và nghĩ con chim chích chòe kia như người đang đói, nên vỗ về con chim nhỏ:
Chích chòe ơi, nhặt vài con sâu nhỏ
Như ngày xưa nơi vườn cũ kiếm tìm...
Ở đoạn thơ cuối cùng, tiếng chim chích chòe với những từ ghép "chập chờn", "thao thức", "rạo rực" biểu lộ trạng thái tình cảm của nhà thơ đã quá khứ, đang hiện tại và sẽ tương lai mãi mãi gửi hồn mình về bên Mẹ - nơi vườn xưa xanh thắm, thấp thoáng rặng cây thưa.
Bài thơ bộc lộ tình cảm thật sự chân thành với giọng điệu thiết tha đầy hoài niệm; hình tượng thơ giàu sức gợi nhớ; lời thơ mượt mà; điệu thơ êm ả..., nên dễ gây xúc động đối với người đọc.