Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

TÂY HỒ MÙA YÊU

Gió Tây Hồ hây hẩy Nước Tây Hồ lăn tăn Ngực nước dãn căng Khói mây hổn hển Đây Đền Đức Ông Kia Chùa Trấn Quốc Miếu Hai Cô nghi ngút hương thiền Ta trà trộn cung tiên Ta đồng hòa thiên cảnh Mùa yêu Cõi Phật chiều Người Diết da Thực phồn Yếm âu Tình mộng Trời khuya Nghe lòng xao động Đất trời bị rịn vào xuân Ta giữa sinh luân Ngực nở Môi hồng Vòng tay đon đả Đón em vào giấc mộng phiêu diêu nghe hổn hà trong hơi thở mùa yêu.

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

CÓ TRỞ VỀ CHỐN CŨ KHÔNG EM?

Em có trở về chốn cũ không em? Tìm lại những gì tháng năm đã khuất Một bóng đa làng soi mình giếng nước Nghe tiếng trao tình thỏ thẻ thâu đêm Em có về chốn cũ không em? Đi lại đường xưa dẫn ta về xóm nhỏ Còn đứng đó cổng làng muôn thuở Như chứng nhân cho sức sống lâu bền Em có về chốn cũ không em? Tìm khói lam chiều trong bồi hồi mái rạ Tiếng võng đưa giọng ru hời một thuở Bao trẻ làng từ tiếng võng đi lên Em có về chốn cũ không em? Nơi tiên tỏ ông bà an nghỉ Lòng thành kính của lớp người hậu thế Gửi lòng thành vào thăm thẳm cõi tiên Em có về chốn cũ không em? Tìm lại vết chân của ngàn đời miên viễn Vẫn còn đó – không có gì ảo huyễn Những bước chân sớm tối đi về... Em nhòe về chốn cũ, em nghe! Để gặp lại ta một thời xuân sắc Để đón ánh trăng giữa trời vằng vặc: Mà hổn hà, háo hức thâu đêm... Em có về chốn cũ không em?

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

MỘT CUỐN TIỂU THUYẾT TRÀN ĐẦY CHẤT THƠ CỦA NGỌC THANH - Mai Thanh

Phạm Thị Ngọc Thanh sinh năm 1984, tại Yên Bái. Hiện đang dạy học ở Hà Nội, chị là cộng tác viên của nhiều tờ báo và nhà xuất bản. Cho đến nay, ngoài những ...tác phẩm thơ văn đăng trên báo giấy và trên diễn đàn internet, Ngọc Thanh đã cho ra mắt bạn đọc tác phẩm thơ “Trổ bông” (2012), tác phẩm tản văn “Hình hài của gió”(2013).Tiểu thuyết “Ba bước tới mặt trời" (NXB Quân đội nhân dân - 2013) mới “ra lò”, còn thơm mùi sách mới.Cuốn tiểu thuyết dày 200 trang, gồm 40 chương, đang được đông đảo bạn đọc quan tâm, với nội dung phong phú, cách thể hiện độc đáo: 1. Thuộc đề tài học sinh-sinh viên, đề cập đến tình yêu tuổi học trò ở một trường phổ thông trung học tại tỉnh Yên Bái, với nhiều mối tình khác nhau: Có mối tình hồn nhiên, ngộ nghĩnh, có mối tình táo bạo, chiếm lĩnh thêm phần vụ lợi, có mối tình tay ba. Song, thơ mộng, hoài niệm, thiêng thiêng, trong sáng – và cũng là sợi chỉ đỏ, là điếm nhấn của tiểu thuyết – là mối cảm tình đặc biệt của cô học trò cùng thầy giáo dạy môn vật lý của cô. Giữa hai thày trò có mối quan hệ của tuổi trẻ khác giới, đó chưa phải là tình yêu, mà là tình thầy trò, tình đồng chí - vì hai người cùng là cán bộ Đoàn thanh niên của trường. Tốt nghiệp phổ thông trung học, cô học trò về Hà Nội, học trường đại học. Sự xa cách thầy trò dường như là lý do để tình yêu của họ phát triển. Với những bức thư gửi kèm theo những bài thơ, cùng những trang nhật ký viết về nhau và cho nhau, tuy giữa họ chưa một lần ngỏ lời, nhưng hầu như họ đã thuộc về nhau. 2. Một cách khéo léo, tiểu thuyết đưa người đọc tiếp cận với nỗi đau mất mát, hy sinh của những người lính nói riêng và của lực lược vũ trang nói chung trong kháng chiến chống xâm lược. Đó là hình ảnh một bà già khi tỉnh, khi điên, bởi bà đã chờ đợi suốt đời một người lính trẻ. Anh là một chiến sĩ đã hy sinh cách nay gần nửa thế kỷ, nhưng bà vẫn coi người tình của của minh còn sống và còn luôn trẻ qua biểu hiện hằng ngày bà giở ra những tấm ảnh của anh để ngắm nhìn và những trang nhật ký bà viết về anh để đọc. Đó còn là một chiến sĩ công an – cũng chính là người cha thân yêu của nhân vật chính Hạ Lan - hy sinh trong một đêm truy lùng tội phạm, để lại người vợ trẻ và đứa con gái thơ dại... Dưới hình thức kể lại, chứ không phải miêu tả trực tiếp về những chiến sĩ bộ đội và công an, Ngọc Thanh gây biết bao nỗi xúc động đối với bạn đọc trên từng trang viết của chị. Ngày nay, trên diễn đàn văn chương, bạn đọc ít gặp những những trang viết về nỗi đau hy sinh và mất mát ấy! Vậy nên, những trang viết trên đây của Ngọc Thanh quả thật vô cùng trân trọng và hết sức đáng nể. 3. Tiểu thuyết "Ba bước tới chân trời" có yếu tố huyễn tưởng được coi như là một phương pháp thể hiện (chỉ ở một phần, chứ không phải ở toàn bộ cuốn tiểu thuyết), kể rằng: Trong một chuyến đi chơi rừng cùng các bạn sinh viên, Hạ Lan bị lạc giữa rừng đêm. Bỗng xuất hiện hai đứa trẻ, con người gác rừng chỉ lối cho Lan. Sau đó, hỏi ra, thì hai đứa trẻ chính là hai hồn ma, bởi chúng đã chết cách đó mười năm rồi. Chờ đợi lời hứa của người mẹ, hằng đêm hồn ma hai đứa trẻ hiện thành người trở lại khu rừng để mong được mẹ đón. Với câu chuyện huyễn tưởng này, tác giả muốn đưa ra ý tưởng về tinh thần thiêng liêng của một lời hứa: Người hứa phải biết giữ lời; người được hứa hãy biết đợi chờ lời hứa. Liên hệ với hai nhân vật Hạ Lan và thầy Hưng: Họ đã hứa hẹn sẽ gặp lại nhau. Đó là điều mà tác giả trao niềm hy vọng cho các nhân vật và cũng là niềm hy vọng gắn kết tinh thần nhân văn của chính tác giả trước kiếp người, trước cuộc đời. Về yếu tố huyễn tưởng này, tham khảo những kết quả nghiên cứu gần đây về tiềm năng con người, về thế giới vô hình và về không gian vi tế (Tham khảo: Nguyễn Tiến Đích – “Âm - Dương và cuộc sống đời thường” – NXB Thông tin-Truyền thông), ban đọc có thể suy ngẫm về những điều xa hơn về một phương pháp sáng tác. Phải chăng, đó là cách tác giả gọi mời độc giả "đọc thêm" những gì ngoài tác phẩm? 4. Chất thơ trong tiểu thuyết cũng là một trong những yếu tố khiến người đọc bị lôi cuốn trên từng trang sách. Ta đã biết đến chất thơ trong văn đã nhiều, chẳng hạn, trong “Trung thu độc lập đầu tiên”, trong “Cây tre Việt Nam” của Thép Mới... Chất thơ trong tiểu thuyết của Ngọc Thanh thể hiện ở hình thức diễn đạt như lời văn dịu dàng, ngọt ngào, chỗ trầm, chỗ bổng bởi các ngôn từ hợp nhịp, hợp thanh; qua những bài thơ, những trang nhật ký ngọt ngào trên trang viết; qua những trang văn khi rực rỡ sắc vàng của loài hoa osaca, qua âm thanh thầm thì của miền đồi rừng sơn cước... Hơn thế, và khác xa những gì ta đã biết về chất thơ trong văn, chất thơ của “Ba bước tới chân trời” còn chứa đựng ngay trong đề tài và nội dung tiểu thuyết. Đề tài học sinh - sinh viên là một đề tài thắm đậm chất thơ, bởi tuổi trẻ là mộng mơ mà mộng mơ là đôi cánh để thi ca bay bổng. Tình yêu và tình bạn trong tiểu thuyết cũng đầy chất thơ, đặc biệt là mối cảm tình của hai người trẻ khác giới là Lan và Hưng... Suy rộng ra, cả những nỗi đau chia ly mất mát và niềm vui đoàn tụ, hoan sinh cũng là những bài thơ muôn vẻ của hai mặt cuộc đời! Làm được như vậy, bởi Ngọc Thanh là một tác giả thơ. Cũng có thể nói, tiểu thuyết "Ba bước tới mặt trời" là kết quả tự nhiên, là sự kết hợp tất yếu của tác phẩm thi ca "Trổ bông" và tác phẩm tản văn 'Hình hài của gió" của Ngọc Thanh. Như vậy, sẽ là rất tuyệt vời, nếu bạn đọc có trong tay "Ba bước tới mặt trời" - một cuốn tiểu thuyết về đề tài học sinh-sinh viên, nhưng nội dung vươn xa hơn rất nhiều so với những cuốn tiểu thuyết cùng đề tài ấy! Ở đây, có những mối tình muôn vẻ - trong đó, tình cảm của đôi bạn trẻ khác giới rất đỗi mơ mộng, thiêng liêng và trong sáng; có tình đồng học thiết thân, đa phong cách; có nỗi buồn mất mát của chiến tranh và tinh thần anh dũng, hy sinh của những chiến sĩ anh hùng; có phương pháp huyễn tưởng kể về người đã chết, nhưng vẫn tồn tại nơi cõi riêng của họ. Tiểu thuyết có kết cấu mở - không chỉ ở chi tiết huyễn tưởng, mà ở nhiều chi tiết khác, nhất là ở cái kết của tác phẩm - để khêu gợi suy ngẫm của độc giả như là cách đọc thêm; hơn thể như là người viết thêm tác phẩm vậy! Với cách đó, Ngọc Thanh đã sớm tiếp cận với phong cách của văn chương hiện đại ngay từ tiểu thuyết đầu tay này của mình. Chúc mừng tác giả Phạm Thị Ngọc Thanh về tiểu thuyết đầu tay “Ba bước tới mặt trời” – một bước ngoặt đáng kể trong quá trình sáng tạo văn chương! Mong chị tiếp tục cho ra mắt độc giả nhiều tác phẩm với chất lượng nghệ thuật cao hơn nữa!