Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

TÌNH YÊU MÀU QUAN HỌ Truyện ngắn

Tôi biết anh từ một lần gặp gỡ trên đường hành trình về Hội Lim trong mùa xuân cách nay gần ba năm – khi tôi là thành viên của đoàn Trung tâm văn hóa thành phố và anh là người phụ trách đoàn Câu lạc bộ thơ Tháp Bút. Hai đoàn chúng tôi gặp nhau khi dừng lại nghỉ chân, để rồi chỉ đi một đoạn đường ngắn men theo bờ sông vào lễ hội. Riêng tôi lại gặp anh từ một nụ cười, vâng một nụ cười mà tôi không thể gọi đó là gì, chỉ thấy rằng tôi không thể quên và bỏ được nụ cười ấy! Còn anh, chắc chắn là anh cũng bị tôi thu hút, nhưng bằng gì, thì lúc đó tôi chưa biết được. Chỉ biết rằng, từ lúc ấy, chắc là anh cũng giống tôi, cảm thấy rằng, rất muốn gần gũi nhau. Là người phụ trách đoàn, anh dùng quyền của mình tuyên bố như vừa ban lệnh, lại như vừa hỏi ý kiến: “Hai đoàn Bút Tháp và Trung tâm văn hóa nhập chung thành một đoàn, nha các bạn!”. Bấm đúng tâm lý thích đàn đúm, mọi người reo lên: “OK!”, “Xong ngay!” , “Đồng ý, giơ cả hai tay!”…Thế là hai đoàn chúng tôi hòa vào nhau, tiếp tục đoạn đường vào hội, râm ran tiếng nói cười vui vẻ. Đến hội, các liền anh, liền chị đã bắt đầu với bài hát “Mời trầu”: “Trầu này trầu tính trầu tình/Ăn vào cho đỏ môi mình môi ta/Không ăn cầm lấy về nhà/Buộc vào dải yếm cho ta nhớ mình”… Rồi tiếp tục, các liền anh liền chị hấp dẫn chúng tôi qua các lời ca quan họ mượt mà dịu ngọt. Tôi đặc biệt xúc động với bài hát “Giao duyên”: “Anh còn son em cũng còn son/Ước gì ta được làm con một nhà/Em về nói với mẹ cha…”. Bỗng anh liếc mắt nhìn tôi, mỉm cười…ôi, lại nụ cười…Tôi vờ như không để ý, mà chăm chú nhìn lên sân khấu. Tự nhiên, tôi cảm thấy có gì không phải với anh, tôi liếc nhìn anh như chuộc lại phút giây giả vờ thơ ơ của mình. Anh nhìn lại, bốn mắt chúng tôi gặp nhau, cả hai cùng mỉm cười đầy ngầm ý. * * * Hội Lim giã bạn với bài “Người ở đừng về”. Anh và tôi chia tay với việc trao nhau số điện thoại, địa chỉ Email và cả địa chỉ nhà ở, cuối cùng là những chiếc… hôn gió. Ngồi trên hai xe khác nhau trở về Hà Nội, tôi ngẫm nghĩ miên man về cuộc gặp gỡ với anh trong chuyến đi lễ hội lần này. Thật tình, tôi đã có những gặp gỡ, rồi quen biết vài ba người bạn trai kể từ khi tôi đến thì con gái. Họ mỗi người một vẻ, không ai giống ai, nhưng tất cả họ đi qua tôi như một cơn gió thoảng. Điện thoại của tôi “tít tít” báo có tin nhắn, tôi bật máy: “ Anh con son, em cung con son/Uoc gi ta se lam con mot nha…”. Tôi nhắn lại: “Ta ve xin phep me cha…”. Với trò chơi tin nhắn, tự nhiên như chúng tôi đã ngỏ lời yêu và như đã là của nhau rồi. Vẫn với trò chơi tin nhắn, chúng tôi nói chuyện với nhau không biết chán qua những con chữ không dấu. Trong một lần anh nhắn tin: “Em yeu anh vi dieu gi?” Tôi nhắn lại: “Khong biet!”. Trả lời thế, nhưng tôi biết quá đi chứ! Như tôi cảm nhận trong buổi đầu gặp gỡ: Nụ cười! Kể cũng lạ, Nụ cười thường là ở người con gái hấp dẫn người con trai, nhưng trong trường hợp của chúng tôi, thì ngược lại! Không, thật ra không hẳn chỉ là nụ cười, mà còn những gì khác nữa ở anh đã hấp dẫn tôi. Tôi nhớ lại nội dung cuốn sách dịch “Điều kỳ diệu của tình yêu” của một nhà khoa học nước ngoài nói đại ý: Mỗi người - nam cũng như nữ - đều phát ra các dòng điện sinh học, trong đó có dòng sinh học tình yêu với tần sổ nhất định. Khi hai dòng sinh học khác giới gặp nhau trùng hợp tần số, thì nảy sinh tình yêu giữa họ với nhau bất kể hoàn cảnh, trình độ, tuổi tác…Phải chăng tôi và anh đã trùng hợp tần số trình yêu? Tôi lại nhắn tin hỏi anh: “Vi sao anh yeu em?” Tin nhắn trả lời: “Chưa noi, con lau moi noi!”. * * * Hôm ấy, anh gọi điện thoại rủ tôi đi lễ Đền Hùng. “Anh đón em ở ngã tư Vọng, cách cửa nhà tôi khoảng 50m!”. Tôi sốt sắng: “Ok!”. Đúng sáu giờ rưỡi sáng chiếc xe hãng Camry đợi tôi ở điểm hẹn. Anh xuống xe mở cửa đón tôi vào ngồi ghế trên, bên anh. Chiếc xe con đưa chúng tôi qua cầu Chương Dương, vượt qua cầu Đuống, tiến thẳng lên phía Đền Hùng. Trên đường đi, để anh tập trung bảo đảm an toàn tay lái, tôi hầu như im lặng, không nói chuyện với anh. Ngược lại, anh vừa lái, vừa nói chuyện thoải mái. Xe đi qua mỗi vùng quê trên đường, anh đều kể về lịch sử, tập quán, lợi thế kinh tế của vùng quê ấy, chẳng hạn khi đi qua những triền đất đỏ trung du, anh giải thích: “Chính vùng đất đỏ trung du mới là vùng đất lợi thế cây trồng, bởi ở đây có thể trồng được nhiều loại cây, không chỉ cây lương thực mà còn cây công nghiệp và cả chăn nuôi nữa, đúng như một nhà kinh tế học cổ điển châu Âu nói rằng, “với đất đai, vấn đề không phải là tính màu mỡ, mà là tính đa dạng của nó…”. Nghe anh kể, tôi hiểu, anh thật sự anh là một thanh niên hiểu biết vừa rộng vừa sâu – tôi không muốn dùng chữ “uyên bác” e rằng quá to tát. Bỗng bất chợt, anh ghìm chậm tốc độ, quay sang hỏi tôi: “Giang này – anh gọi tên tôi – cha mẹ đặt tên em là Giang có ý nghĩa gì?”. Đang bị thuyết phục bởi sự hiểu biết của anh, lại bị hỏi bất ngờ, tôi bỗng bột phát nghĩ ra một câu trả lời đầy tính đối đáp nhưng cũng táo bạo (mà sau này nghĩ lại tự cảm thấy mình có phần “vô duyên”): “Vì anh là biển – tên anh là Hải – nên em là sông…!”. Anh trợn tròn mắt nhìn tôi như ngạc nhiên, không biết bởi tính đối đáp hay tính táo bạo của câu trả lời. Đến khu Đền Hùng, xe dừng bánh. Anh xuống xe, đi vòng sang mửa cửa xe dắt tôi bước vào khu Đền… Đứng trước Đền Thượng, chúng tôi dâng hương và khấn niệm Vua Hùng. Lời anh lầm rầm nhỏ nhẹ, đủ để tôi nghe được:“Con xin Tổ Vương phù hộ cho chúng con được thành vợ, thành chồng…”. Tôi suýt phì cười, vì bỗng nhớ lại có lần cô bạn tôi kể: Cô cùng đi với người yêu vào lễ Phủ Tây Hồ. Anh chàng không biết do ngổ ngáo hay do quá thật thà, khấn niệm: “Con lạy bà Chúa Liễu-Mẫu Nghi thiên hạ, cho con được ăn cùng nồi, ngủ cùng giường với cô gái đang đứng bên con…”. Anh dắt ta tôi đi khắp khuôn viên Đền Hùng. Rồi vào Đền thờ Mỵ Châu: Đập vào mắt chúng tôi là tượng Công chúa Mỵ Châu với xiêm y lộng lẫy, nhưng cụt dầu. Tôi thở dài. Anh bùi ngùi. Giọng anh mềm mại, nhưng kiên quyết: “Nhiều người ngợi ca mối tình Mỵ Châu – Trọng Thủy. Anh nghĩ khác. Đó là mối tình lừa đảo. Người bố Triệu Đà lừa đảo và truyền cái lừa đảo ấy cho con là Trọng Thủy. Khi Trọng Thủy ăn cắp lẫy nỏ thần, hắn biết quá rõ là hắn lừa đảo không chỉ Thục Phán mà cả Mỵ Châu, để thực hiện hành vi tồi tệ đó! Rồi anh trích đọc mấy câu thơ mà tôi không biết thơ ấy là của ai: “Yêu chi yêu lời cha hắn/Yêu chi yêu cây nỏ thần/Còn bày đặt cái trò “lông ngỗng”/Làm mẹo lừa tình hay làm kế sát nhân?...”.Tôi cãi: “Nhưng cuối cùng Trọng Thủy cũng nhảy xuống giếng tự tử mà chết vì tình, đó sao!”. “Không, đó là cái chết ân hận vì tội lỗi, chứ không phải là chết vì tình yêu! Chẳng qua là người đời nhân hậu mà thêu dệt thành chuyện tình yêu của họ như thế! Tôi thật bất ngờ, bởi chính Trung tâm văn hóa của tôi đã có lần tổ chức sinh hoạt ca ngợi “Mối tình Mỵ Châu-Trọng Thủy”, nên“cãi” lại anh, nhưng sau khi anh nói, tôi không còn bấu víu được chút lý lẽ nào để có thể bảo mối tình ấy! Chúng tôi không hòa vào đi chung với một đoàn nào đó, để nghe hướng dẫn viên giới thiệu, mà đi riêng , bởi chính anh là người hướng dẫn, giới thiệu riêng cho tôi và chúng tôi tiếp cận hầu như tất các điểm của Khu Đền. Tôi được anh truyền đạt hầu như tất cả những gì cần biết về Đền Hùng, nói đúng hơn là về buổi đầu dựng nước. Chúng tôi ra về tuy hơi mệt, nhưng rất vui về một chuyến đi thật mỹ mãn! Từ Đền Hùng về đến Hà Nội, trời đã hoàng hôn, anh rủ tôi đi ăn cơm tối ở cửa hàng ăn đặc sản, nhưng tôi cảm ơn và từ chối, vì lý do “về muộn sợ mẹ mắng”. Anh mở cửa, dắt tay tôi bước xuống xe. Chúng tôi trao nhau nụ hôn chia tay thật nồng nàn, anh đưa tôi một tấm Postkarte đặt trong một phong bì màu hồng, Rồi giơ tay vẫy tôi: “Bye em!”. Tôi giơ tay đáp lại: “Bye anh!”. Khi chiếc xe của anh vừa chuyển bánh, không ghìm được tò mò, tôi ghé vào quán nước bên đường, vội mở xem tấm thiếp thư mà anh vừa trao, thì đó là một bài thơ viết tay chữ rất đẹp, có tựa đề: “Mắt cười”(Yêu mến tặng Giang): Miệng cười: / Đã ngất ngây đời / Mắt cười: / Thêm nữa đất trời ngả nghiêng! / Gửi hồn vào cõi em riêng / Gửi thơ vào cõi yêu thiêng: / Mắt cười… Vậy là anh bắt đầu tìm thấy tôi trong mắt cười của tôi như tôi gặp anh trong miệng cười của anh vậy! * * * Vĩ thanh: Tuần trước, cha mẹ anh sang nhà tôi đưa lễ chạm ngõ. Bốn vị “lão thành” chuyện trò vừa trân trọng, vừa hân hoan. Tôi hiểu họ rất hài lòng về chúng tôi và bộc lộ niềm vui hể hả. Tôi và anh từ nay mỗi người có thêm hai cha mẹ nữa. Các “lão thành” bàn nhau về lễ hỏi, lễ cưới, lệ đón dâu, lễ lại mặt…Tôi và anh như là “dự thính viên” thường được hỏi ý kiến: “Ý anh Hải thế nào?”. “Ý chị Giang ra sao?”…Tôi thấy lòng mình xao xuyến, nhận ra rằng, mình sắp có một cuộc sống mới vừa vui, vừa lo, nhưng nói chung là cảm thấy hạnh phúc đang đến với mình. Ngày không xa, tôi sẽ có một người chồng thật sự vừa lòng, không phải vì gia đình và bản thân Hải có đời sống kinh tế, mà chính trí tuệ và tâm hồn anh là một kho văn hóa vô giá, không phải ai cũng có được! Bạn bè gặp gỡ chia vui với tôi trước ngày cưới. Lam Nhiên, một nữ họa sĩ - bạn rất thân của tôi, được tôi kể cho nghe về chuyện tình yêu của chúng tôi bắt đầu từ chuyến đến với Hội Lim, cô cười và phán một câu xanh rờn: “Tình yêu màu quan họ”. “Là họa sĩ, nên cậu nhìn cái gì cũng ra màu sắc! – tôi đáp lời bạn. Lam Nhiên tiếp: “Tớ sẽ trang trí phông lễ cưới của các cậu hình ảnh của Hội Lim quan họ! Tôi mỉm cười, gật đầu: “OK”! Từ ngoài, vọng vào tiếng còi ô-tô của Hải đến đón tôi đi chụp ảnh và mua sắm cho ngày cưới của chúng tôi. Bên ngoài, nắng xuân mềm mượt rải hạt ấm xuống thềm và những chậu cây kiểng lấm tấm lộc non… Đầu xuân Giáp Ngọ (2014)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét